TRÒ CHUYỆN ĐÚNG CÁCH VỚI TRẺ NHỎ VỀ DỊCH BỆNH COVID 19
Chúng ta rất dễ bị choáng ngợp trước tình hình và những thông tin về dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Vì vậy, nếu con bạn cảm thấy lo lắng, đó cũng là điều dễ hiểu. Những thông tin trên truyền hình, mạng Internet hay từ những người khác có thể khó hiểu đối với trẻ nhỏ, vì vậy các em đặc biệt dễ cảm thấy lo lắng, căng thẳng và buồn rầu. Tuy nhiên, một cuộc trò chuyện cởi mở, mang tính hỗ trợ có thể giúp con trẻ hiểu, biết cách ứng phó hay thậm chí là có đóng góp tích cực để giúp đỡ những người khác.
“Tại sao chúng ta không được ra công viên nữa?”
“Con sẽ bị nhiễm bệnh phải không?”
“Con sẽ không được đi học, gặp bạn bè, thầy cô nữa à?”
“Ông, bà sẽ chết vì virus phải không ạ?”
“Clip mẹ xem nói chỉ cần ăn nhiều tỏi là sẽ hết bệnh phải không ba?”
Tin tức về dịch bệnh lan truyền, dù có cố hạn chế thì chúng ta cũng không thể giấu con trẻ những vấn đề của dịch bệnh.
Chúng ta lo lắng một thì con chúng ta sẽ lo lắng mười, và thường không nói hết vì thấy cha mẹ cũng bế tắc.
Số người tử vong, tình trạng khan hiếm lương thực, việc đóng cửa trường học và nhiều thông tin khác đang gây ra cho trẻ em sự bất an.
1. Hãy giữ bình tĩnh:
Nói chuyện với con bằng giọng bình tĩnh, tránh làm quá hoặc hù dọa con, nhất là trong nhà có người hay biểu hiện cảm xúc một cách thái quá.
Hãy cho con những thông tin về giải pháp phòng ngừa và những giải pháp mọi người đang triển khai như 5K, vaccin.
“Covid-19 là bệnh về đường hô hấp do một dòng virus corona lạ gây ra. Triệu chứng ban đầu của bệnh thường là sốt, tiếp đến là ho khan. Sau đó khoảng một tuần, người bệnh bị khó thở và một số bệnh nhân cần điều trị tại bệnh viện.”
“Covid-19 truyền qua những giọt rơi từ cơ thể, chẳng hạn như hạt nước bắn ra khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi.”
2. Nói với con trẻ những thứ con làm được mà thôi:
Chẳng hạn như vệ sinh tay chân, 5K, tập thể dục, ăn nhiều trái cây thay vì nói đến những thứ con không thực hiện được, chỉ làm con bất an không cần thiết.
Đối với những thông tin, cách chữa bệnh chưa được kiểm chứng thì không nên trả lời ngay là đúng sai mà nên nói tránh:
“Cái này ba chưa biết người nói có chuyên môn bác sĩ hay nguồn đăng có phải là tổ chức uy tín không nên chúng ta chưa nên thử, con có muốn làm theo cái nào cũng nên hỏi ba mẹ trước nhé!
3. Trấn an bằng nụ cười, cái ôm hoặc dấu hiệu riêng:
Khi trẻ chưa hết căng thẳng hoặc khi nghe tin tức hãy trấn an bằng những biểu hiện mang tính gia đình, khuyến khích trẻ trấn an người khác khi họ căng thẳng (như ông, bà).
Nếu tìm cách nào không cần chạm vào và có thể làm với người khác khi chat online thì cằng tốt. (Như nắm chặt nắm tay rồi giơ lên chẳng hạn)
4. Kết thúc bằng chủ đề khác:
Sau khi nói, trấn an xong hãy làm trẻ nghĩ qua vấn đề khác như:
“Nãy con chơi gì với em vậy?”
“Uhm, giờ cha con mình xuống phụ mẹ làm cơm nhé!”
Điều này giúp não bộ của bé không quá căng thẳng ở một vùng quá lâu.
5. Dành thêm thời gian cho con:
Nếu cách ly mà ở cùng với con, hãy dành thời gian để chơi, học, làm việc nhà cùng con. Ngoài việc giúp con và gia đình vui vẻ, tăng sức đề kháng còn giúp tinh thần con thoải mái hơn, tránh ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ.
Khuyến khích con hỏi nhiều câu hỏi về tự nhiên, gia đình, quá khứ đẹp, không liên quan về dịch bệnh để hướng sự quan tâm của trẻ về thứ khác.
Nếu có thể cùng con học thứ gì mới ở nhà như yoga hoặc nấu ăn thì càng tốt.