Đừng Để Con Trở Thành Người Lương Thiện Mà Lười Biếng

ĐỪNG ĐỂ CON TRỞ THÀNH NGƯỜI LƯƠNG THIỆN NHƯNG LƯỜI BIẾNG
Một đôi vợ chồng nọ sinh được một cậu con trai. Nhìn gia cảnh nhà họ hiện tại ít ai biết rằng họ đã từng trải qua những ngày tháng khốn khó, xuất thân trong gia đình nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Vì bản thân đã từng rất vất vả, đổ mồ hôi, sôi nước mắt nên anh chị đã tự hứa với lòng mình nhất định không để cho con cái phải chịu khổ giống mình hồi xưa. Với suy nghĩ đó, họ ra sức chiều chuộng con, không để con đụng chạm vào bất cứ công việc gì trong gia đình.
Năm 2 tuổi, thằng bé đòi tự xúc ăn, chị không cho vì sợ thức ăn rơi vãi sẽ mất công dọn dẹp.
Năm 3 tuổi, thằng bé thấy mẹ nhặt rau ùa vào đòi nhặt cùng, chị đuổi thằng bé ra vì sợ rau sẽ vấy bẩn lên tay chân, quần áo con và chị sẽ lại phải thay cho thằng bé một bộ đồ khác.
Năm 5 tuổi, thằng bé đòi rửa bát, chị nhất định không chịu vì sợ thằng bé rửa bát không sạch,
lại vỡ bát như chơi.
Cứ như vậy… ý nghĩ “muốn để con không phải chịu khổ” lại trở thành lý do để biện minh cho nỗi sợ phiền hà của mẹ.
Cậu con trai lớn dần lên. Sau nhiều lần vì tò mò muốn học theo người lớn làm việc nhà mà không được, cậu đã từ bỏ hẳn ý định. 18 tuổi, trở thành sinh viên đại học, chàng trai trẻ chưa từng một lần biết tự nấu ăn cho mình, chưa từng động tới cái chổi quét nhà hay bất cứ những công việc vệ sinh cá nhân như thu dọn phòng ốc, đem quần áo bẩn cho vào máy giặt. Căn phòng của cậu luôn ngổn ngang như bãi chiến trận nếu không có mẹ dọn dẹp hộ. Cậu luôn cảm thấy việc nhà không phải là việc của mình và mặc định việc bố mẹ phục vụ mình là lẽ đương nhiên phải thế. Bởi vì, ngay từ tấm bé, cậu vẫn luôn sống như vậy.
Một lần nọ, đang lúc dùng cơm tối. Đường ống thoát nước nhà cậu bị tắc, nước dềnh lên lênh láng. Mặc cho bố mẹ cậu còng lưng tát nước, cậu vẫn thản nhiên co chân lên ghế ngồi ăn ngon lành. Hay như lần bóng đèn bị cháy, bố cậu không có nhà, việc thay bóng đèn vẫn là việc mà mẹ cậu sẽ làm chứ hoàn toàn không thuộc nhiệm vụ của cậu. Bố mẹ cậu kinh doanh hoa quả, mỗi lần hàng về, họ lại tất tả khuân vào nhà những thùng trái cây nặng trĩu vai, chỉ riêng cậu vẫn ngồi vắt chéo chân xem tivi ở phòng khách gần đó. Hình ảnh đó của bố mẹ, chàng trai trẻ đã quá quen và hình ảnh đó của cậu con trai, bố mẹ cậu cũng đã xem đó là lẽ thường.
Cho tới một ngày, khi hai mẹ con đang ăn cơm, mẹ cậu đứng dậy định lấy thêm đồ ăn thì mặt mày choáng váng nôn thốc nôn tháo. Cậu dìu mẹ về phòng nghỉ ngơi, khuyên mẹ đừng nên tham công tiếc việc mà hại sức khoẻ. Đến đêm khát nước, mẹ cậu mò xuống phòng bếp thì thấy mâm cơm ngổn ngang xương xảu vẫn nguyên xi trên bàn ăn, bãi nôn bốc mùi chua, ruồi muỗi bâu đầy. Khi đó, người mẹ mới cảm thấy chột dạ. Con trai của cô dù luôn rất ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ nó, luôn bày tỏ sự quan tâm bằng những lời động viên ân cần nhưng lại chưa từng động tay chân làm giúp bố mẹ bất cứ công việc gì. Tình yêu của cậu dành cho bố mẹ mình mới dừng ở ý nghĩ và lời nói.
Trong một lần nhà có khách tới chơi, thấy cậu con trai của bạn quá lười biếng, vị khách có góp ý nhưng người mẹ lại nói rằng:
-Ôi dào, thôi nó động vào lại hỏng việc của mình ra ấy chứ. Lười nhưng được cái cũng biết thương bố mẹ. Vẫn còn hơn khối đứa có biết thương bố mẹ đâu!
Người chồng thấy vợ nói vậy cũng thêm vào:
-Con trai nó khác con gái. Được cái học giỏi kéo lại. Sau này kiếm tiền thuê giúp việc nó làm cho chứ cần gì phải động tay động chân vào làm gì. Đàn ông nó sướng ở chỗ đấy, ở nhà – mẹ chăm, lấy vợ – vợ chăm. Thế là được rồi. Làm gì có thằng nào hoàn hảo đâu.
Vị khách nọ thấy vợ chồng bạn có ý bênh con nên cũng đành chịu chẳng còn biết nói sao nữa, vì nói nhiều sợ mất lòng nhau.
Đúng như lời bố mẹ nói, cậu có lực học khá tốt. Dù gia cảnh nhà cậu không giàu nhưng bố mẹ cậu luôn rất xởi lởi trong việc cho tiền con trai để tiêu vặt và mua đồ dùng cá nhân nên xét về mặt ngoại hình, cậu khá trau chuốt trong cách ăn mặc, gương mặt anh tuấn, chiều cao lý tưởng khiến cậu trở thành tâm điểm chú ý của rất nhiều bạn gái học cùng trường.
Vì chưa từng bỏ sức lao động để kiếm tiền nên cậu chưa từng biết tiếc khi chủ động chi trả cho những lần ăn uống hội họp bạn bè, cũng vô cùng ga lăng khi đứng trước những cô gái. Cậu sẵn sàng dốc hết hầu bao để ủng hộ một người bạn gia cảnh éo le học cùng lớp. Hay luôn là người ủng hộ nhiều nhất mỗi lần nhà trường kêu gọi lập quỹ học bổng cho các em nhỏ miền núi. Cậu nghiễm nhiên trở thành một hình mẫu lý tưởng về một chàng trai vừa đẹp trai, vừa học giỏi lại vừa tốt bụng.
Trong mắt bạn bè, cậu là người tốt bụng một cách vô tư vì chưa bao giờ cậu cho đi mà toan tính nhận lại. Vì thế mà, bạn bè của cậu cũng rất đông. Chỉ cần cậu hô một câu là có thể ngay lập tức triệu hồi được vài chục người bạn. Một lời cậu nói ra bỗng có trọng lượng hơn cả chục người. Cậu luôn cảm thấy tự hào về bản thân khi có được sự yêu mến, nể nang của nhiều người.
Nhưng, cậu lại không hề biết rằng những gì cậu đang làm giống như con dao hai lưỡi. Một khi đã chót xây dựng hình ảnh hot boy tốt bụng, ga lăng giàu có, đồng nghĩa với việc cậu đã tự làm khó mình. Bạn bè đến với cậu cũng vì hình ảnh đó. Vậy nếu một ngày, cậu không còn như vậy thì họ có còn ở bên cậu hay không? Câu hỏi này cậu vốn dĩ cũng chưa từng nghĩ đến. Bởi dưới góc nhìn của cậu, rõ ràng, những việc mà cậu làm là rất tốt, cậu sẵn sàng giúp đỡ người khác, sẵn sàng cho đi mà chẳng mong nhận về thì có gì là sai? Chẳng phải là làm việc thiện hay sao?
Câu chuyện dường như không có gì đáng quan ngại khi không có một ngày bố cậu dắt về nhà một cậu em trai cùng cha khác mẹ. Thằng bé khi đó mới 4 tuổi. Thời gian đó, không khí trong nhà cậu trở nên vô cùng căng thẳng. Bố mẹ cậu tưởng chừng đường ai nấy đi nhưng sau tất cả mẹ cậu lại chọn cách tha thứ. Kể từ đó, gia đình cậu có thêm thành viên mới, cậu có thêm một em trai. Sự thay đổi này khiến cho cuộc sống gia đình cậu bị xáo trộn. Bố mẹ cậu vì phải dành thời gian cho thằng bé nên cậu bắt đầu phải làm quen với việc chia sẻ việc nhà và tự làm những công việc cá nhân.
Câu chuyện tiếp diễn thế nào các bạn có đoán được ra không? Vì quen với việc được chiều chuộng, quen lười biếng, thế nên mỗi khi động tay vào việc nhà, cậu cảm thấy công việc nào dù nhỏ đến đâu cũng hết sức khó nhọc. Dù là lắp hộ mẹ cái quạt, dọn giúp mẹ mâm cơm, trông em, cho quần áo vào máy giặt… cậu cũng cảm thấy như mình vừa làm những việc quá ư to tát vậy. Cậu bắt đầu trở nên cau có và gắt gỏng.
Một lần nọ, bố cậu nhờ bê giúp vài thùng trái cây từ xe tải vào nhà. Mới bê được 5 thùng, cậu đã ngồi bệt xuống thềm cửa thở không ra hơi, đang tranh thủ uống ngụm nước thì bố cậu lại gọi vọng vào:
-Làm gì mà lâu thế? Nhanh lên để người ta còn lái xe đi không xe chắn đường họ chửi cho bây giờ!
Cậu vùng vằng:
-Làm gì mà phải vội thế. Uống có ngụm nước cũng không xong…
Thấy thái độ của cậu, bố cậu lộ rõ vẻ không hài lòng:
-Mày trẻ khoẻ như thế mà có bê cái thùng 20kg cũng không nên hồn. Tao từng này tuổi đầu rồi, từ ngày mở cửa hàng, mày biết tao bê bao nhiêu thùng rồi không?
-Vầng, bố khoẻ. Con chỉ thế thôi. Bố khoẻ thì bố tự đi mà bê.
Nghe cậu con trai nói vậy, người bố nổi giận đùng đùng:
-Mày nói gì? Nói lại tao nghe xem? Mày lớn được bằng từng ấy là nhờ cái gì hả?
Thấy bố nổi khùng, cậu quay lưng bỏ vào nhà, miệng còn lẩm bẩm:
-Gớm, ai bảo đẻ ra mà bây giờ kể công nuôi dưỡng. Cứ làm như báu lắm.
Người mẹ từ trong nhà đi ra vừa lúc cậu con trai bước vào. Nghe được câu nói của con mà người mẹ như đứt từng khúc ruột. Cậu con trai ngoan ngoãn, biết thương yêu bố mẹ ngày nào nay bỗng trở nên hỗn láo chỉ bởi vì bị bố mẹ bắt phải làm việc. Vậy rốt cuộc, cậu ấy có thực sự lương thiện như những gì bố mẹ cậu ấy vẫn nghĩ không?
Bạn thân mến à, hãy thử dừng lại một chút và nghĩ xem, có phải bạn cũng đã từng gặp những người như chàng trai trong câu chuyện ấy không?
Hãy đặt tạm đặt cho họ một cái tên dễ hiểu là nhóm người “lười biếng lương thiện”. Mẫu người này rất thích làm việc tốt, rất thích được người khác nể phục, khen ngợi. Họ sẵn sàng cho đi tiền bạc, vật chất của bản thân chỉ để nhận về những lời ca tụng, những ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè. Sự cho đi của họ tưởng chừng là vô tư, vì vốn dĩ họ không hề đòi hỏi nhận lại nhưng xét đến cùng, thứ mà họ muốn đằng sau hành động lương thiện đó lại chính là vị thế, là đẳng cấp, là sự ghi nhận của người khác. Ấy chưa phải là sự giúp đỡ vô tư.
Thông thường, người ta phải trải qua quá trình lao động vất vả, vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách mới đạt được chút thành tựu để nhận được những lời khen. Chẳng phải cố gắng gì, chỉ hưởng thụ và mang tiền của bố mẹ đi cho người khác để nhận về sự nể nang của bạn bè thì là việc quá dễ dàng và ai cũng làm được.
Vì không được lao động, nên chưa từng biết cảm giác khó khăn, vất vả là thế nào. Vì chưa từng kiếm ra tiền nên cũng không biết quý trọng giá trị của mỗi đồng tiền mà bố mẹ kiếm được. Nên đương nhiên, việc cho đi đối với họ rất dễ dàng. Một người kiếm ra tiền và xởi lởi so với một người chỉ biết tiêu tiền của bố mẹ một cách xởi lởi khác nhau hoàn toàn.
Người thực sự có trái tim lương thiện sẽ không bao giờ để xảy ra tình trạng lấy của cha mẹ đi cho người ngoài chỉ để thoả mãn cái tôi sĩ diện của bản thân. Làm một việc tưởng là tốt nhưng việc tốt đó lại gây ảnh hưởng xấu tới đối tượng khác thì việc tốt đó không còn là tốt nữa rồi. Đã tốt thì phải tốt cho tất cả, có thể vì người khác mà hy sinh lợi ích của bản thân nhưng không thể vì người khác mà hy sinh lợi ích của một người khác.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã từng nói rằng quan điểm của mình về nuôi dạy con là khuyến khích con phải chịu khó lao động, tích cực lao động, yêu lao động và rèn luyện. Quan điểm ấy vô tình cũng trùng khớp với đa số những nhà tỷ phú khác trên thế giới dù họ chưa từng ngồi lại bàn luận với nhau về cách nuôi dạy con cái.
Bạn không thể có được một đứa con ngoan ngoãn, lương thiện, giỏi giang, giàu có khi không dạy con yêu lao động. Trăm hay không bằng tay quen. Chỉ cần quen với việc lao động thì sau này khi lớn lên, dù là những công việc nặng nhọc tới đâu, chúng cũng hoàn thành nó nhẹ nhàng nhất có thể. Dù là nhiều việc đến đâu, khi đã quen lao động, chúng cũng có thể sắp xếp các công việc một cách tuần tự, khoa học.
Dạy con yêu lao động cũng chính là trao cho con trái tim giàu tình yêu thương, sự đồng cảm và biết ơn. Bởi vì chỉ có thông qua lao động, con trẻ mới hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, qua đó đồng cảm và biết ơn.
Lao động chính là môi trường tôi luyện tâm tính lương thiện trong trái tim mỗi con người như viên ngọc sáng được mài giũa vậy. Người ta hoàn toàn chưa thể có được sự “lương thiện tinh khiết” khi chưa trải qua sự tôi luyện bằng quá trình lao động, bằng sức ép và kỷ luật.
Một người sống trong sung sướng có trái tim lương thiện thì khi anh ta lâm vào bể khổ chưa chắc vẫn giữ được sự lương thiện.
Một người bị đời vùi dập te tua vẫn một lòng hướng thiện thì khi trở nên giàu có, anh ta chắc chắn sẽ giúp đỡ được rất nhiều người.
Người siêng năng, dù phải làm bao nhiêu việc vất vả cũng không kêu ca nửa lời.
Người lười biếng, chỉ cần động tay chân một chút đã muốn kể công.
Một khi đã lười biếng mà bị buộc phải lao động thì người tốt bỗng biến thành xấu xí cũng không có gì lạ.
Đương nhiên những người có tư tưởng tân tiến, giải phóng sức lao động hoàn toàn bằng những máy móc thay thế sức người. Nhưng để có được cuộc sống như thế, họ chắc chắn là những người chưa từng lười biếng khi còn trẻ.
Ngay từ bây giờ, hãy để trẻ có quyền lợi được lao động, được rèn luyện để nâng cao sự khéo léo của đôi tay, nâng cao tính tự lập, ý thức chia sẻ, để học cách thấu hiểu, yêu thương thay vì vô cảm hưởng thụ, sống giữa gia đình nhưng lại một mình một thế giới.
Khi quy tắc cùng nhau làm việc nhà đã thành thói quen, bọn trẻ sẽ hình thành ý thức tự giác, trở nên tinh tế hơn. Khi thấy bố mẹ làm việc, chúng sẽ tới giúp một cách hoàn toàn tự nhiên. Bởi chúng nghĩ việc của bố mẹ cũng là việc của mình. Nếu các bố mẹ có thể vượt qua nỗi sợ phiền hà, để con cùng làm việc nhà, con bạn sẽ trở thành những con người có trái tim nhân hậu, giàu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Không phải đứa trẻ nào sinh ra trên đời cũng thông minh, nhưng đứa trẻ nào cũng nên trở thành những con người siêng năng, chăm chỉ.
Chàng trai trong câu chuyện trên hoàn toàn có thật ngoài đời. Cậu ấy hiện tại chẳng còn bất cứ người bạn nào ở cạnh. Cũng chưa từng có bất cứ người bạn nào xuất hiện khi cậu ấy lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhưng, đừng vội nghĩ rằng bạn bè cậu ấy thật tệ. Bởi nếu không bôi mỡ lên người thì kiến không thể tìm đến cắn. Nếu bạn nghèo khó nhưng có trái tim chân thành thì dù có là người hám danh lợi cũng sẽ đáp lại bạn bằng sự chân thành 
Trong rất nhiều mối quan hệ xung quanh ta, nếu chỉ một vài người xấu xí thì có thể là do họ xấu thật. Nhưng nếu tất cả những mối quan hệ xoay quanh ta đều xấu thì hãy ngay lập tức nhìn lại mình, bởi rất có thể bản thân ta mới chính là nguồn cơn khởi phát những năng lượng tiêu cực. Tự cậu ấy đã đánh đồng giá trị của bản thân với những đồng tiền cậu ấy cho đi nên một khi hết tiền, tất nảy sinh tâm lý sợ hãi bị bạn bè phát hiện mình đã hết giá trị mà tự thu mình lại khỏi đám đông. Cộng thêm quá khứ hào nhoáng, lòng tự trọng cao khiến cậu ấy khó có thể chấp nhận bản thân ở thời điểm hiện tại. Không muốn chấp nhận sự thật mình là người kém cỏi nên thật khó mở lời cầu xin sự giúp đỡ của người khác vì sợ nhận về những ánh nhìn thương hại, cười nhạo của bạn bè.
Tiền của có được không bởi sự nỗ lực chăm chỉ của bản thân tất không thể bền vững. Miệng ăn núi lở, bao nhiêu cũng hết.
“Điều đáng sợ của hành động tàn ác không phải là bị người khác phát hiện, mà là chính mình tự biết. Điều đáng khen của hành động lương thiện, không nằm ở lời khen của người khác, mà là nằm ở sự an vui của chính mình”.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, làm việc thiện phải đi liền với trí tuệ, tầm nhìn. Lương thiện luôn đi liền với sự cần cù, chăm chỉ. Không có người lương thiện mà lười biếng.
Nguồn: Kỹ năng sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *